Sơ lược đôi nét lịch sử về Di tích chiến thắng cầu Gò Da
Lượt xem:
Di tích chiến thắng cầu Gò Da
Cầu Gò Da nằm trên trục đường thuộc thôn 6, xã Đức Nhuận, cách thị trấn sông Vệ 6 km về hướng đông nam.
Trong kháng chiến chống Mĩ, khu vực cầu Gò Da là nơi tranh chấp quyết liệt giữa ta và địch. Đich ra sức kiểm soát vùng này để khống chế sự chi viện, tiếp tế từ ngoài vào vùng giải phóng, đồng thời để có thể tổ chức tấn công vào vùng căn cứ của ta từ nhiều hướng, còn ta thì quyết chặn đánh địch tại cửa ngõ phía tây này, tạo hành lang an toàn, giữ vững vùng căn cứ du kích xóm 12, 13 để bảo tồn lực lượng, tìm cách tấn công tiêu hao lực lượng địch, mở rộng vùng giải phóng, phát động phong trào đấu tranh chính trị với địch ở các thôn, xóm cũng như ven thị trấn Sông Vệ. Từ năm 1969 đến tháng 3. 1975, nơi đây diễn ra nhiều trận đánh lớn nhỏ, tiêu diệt quân Mĩ- nguỵ của quân dân xã Đức Nhuận chống địch càng quét vào vùng giải phóng.
–
– Tháng 4. 1967, du kích xã Đức Nhuận phối hợp với bộ đội huyện Mộ Đức phục kích, đánh thiệt hại nặng đại đội “ biệt chính đoàn” và đoàn “ xây dựng nông thôn”, diệt gọn 1 trung đội địch.
-Tháng 6. 1969, lực lượng du kích xã đã phục kích đánh tỉa vào tiểu đoàn chủ lực thuộc trung đoàn 4 nguỵ.
– Trong năm 1970, Mĩ – nguỵ đã tiến hành 48 trận càng quét vào căn cứ du kích xóm 12,13 thuộc thôn Năng An. Lực lượng du kích xã Đức Nhuận lợi dụng địa hình ém quân dọc theo kênh mương, bờ ruộng, mép đường của khu vực Gò Da, đánh bại hàng chục trận càng quét của quân Mĩ- nguỵ, diệt và làm bị thương hàng trăm tên địch.
– Năm 1973, được sự hỗ trợ của bộ đội huyện Mộ Đức, du kích xã Đức Nhuận đã chặn đánh tiểu đoàn Mảng Xà Vương của địch càng quét vào xóm 13, diệt nhiều tên địch.
– Ngày 21.3.1975, du kích xã cùng huyện đội huyện Mộ Đức tấn công tiêu diệt chốt xóm 12 của địch, sáng hôm sau đại đội địch kéo ra ứng cứu bị lực lượng du kích Đức Nhuận phục đánh tại cầu Gò Da, tiêu diệt một số tên, số còn lại bỏ chạy lên Bồ Đề.
Các trận thắng Mĩ – nguỵ tại cầu Gò Da đều mang lại kết quả cao vì sử dụng nhiều cách đánh cơ động, linh hoạt, sáng tạo của chiến tranh du kích: khi thì phục kích, đánh chặn, khi thì vận động tiến công, khi thì vừa đánh, vừa nhử địch vào trận địa mai phục sẵn của ta để tiêu diệt với cách đánh biến hoá khôn lường, nhằm hạn chế sự cơ động của không quân và hoả lực mạnh của địch. Các trận thắng của ta khiến cho Mĩ- Nguỵ hoang mang lo sợ khi càng quét vào căn cứ của ta, bọn ác ôn trong xã, trong huyện giao động, còn nhân dân thì phấn khởi tin tưởng. các chiến thắng ở Gò Da cũng đánh dấu sự lớn mạnh của lực lượng vũ trang Đức Nhuận trong kháng chiến chống Mĩ, biết dựa vào địa hình của xóm làng bố trí trận địa “ mai phục” với tinh thần quyết chiến quyết thắng cao.
Di tích chiến thắng cầu Gò Da là một nét son trong lịch sử kháng chiến chống Mĩ- cứu nước của quê hương Đức Nhuận- Mộ Đức.